THCS An Sinh tổ chức tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS năm 2017

Thực hiện sự chỉ đạo của Phòng GD&ĐT thị xã Đông Triều về việc hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017, hôm nay, thứ 5 ngày 07/12/2017, trường THCS An Sinh tổ chức tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS với chủ đề "Xét nghiệm HIV sớm – Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020".


Như chúng ta đã biết, hiện nay, đại dịch HIV/AIDS thật sự đáng báo động ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Mỗi năm, hàng triệu sinh mạng con người đã bị cướp đi vì căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Cùng với sự gia tăng số người sử dụng ma tuý, hiểm hoạ AIDS không chỉ đe doạ trực tiếp tới cuộc sống của từng con người trong mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Ở nước ta, từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990 đến nay, căn bệnh HIV đã mau chóng trở thành một đại dịch và đã xuất hiện ở tất cả 63 tỉnh thành trong cả nước. Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước phát hiện khoảng 254.000 người nhiễm HIV, mỗi năm khoảng 12.000-14.000 trường hợp nhiễm mới HIV. Trong số những người mới phát hiện nhiễm HIV trong năm 2015, nữ chiếm 34,1%, nam chiếm 65,9%; lây truyền qua đường tình dục chiếm phần lớn với 50,8%, lây qua đường máu chiếm 36,1%, mẹ truyền sang con chiếm 2,8% và không rõ nguyên nhân chiếm 10,4%... Trong 11 tháng đầu năm 2015, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 9215 trường hợp, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 5380, số bệnh nhân tử vong là 1999 trường hợp.

Trên thế giới, theo số liệu từ Cục phòng chống HIV/AIDS dựa trên báo cáo của WHO, tính đến đầu năm 2016 thế giới có 35 triệu người nhiễm HIV, 1,5 triệu người chết do AIDS và 119 quốc gia đã báo cáo kết quả có khoảng 95 triệu người đã xét nghiệm HIV.

Hiện nay, vẫn chưa có một loại thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh HIV/AIDS, vì vậy, biết cách tự phòng cho mình và cho cộng động cũng như tuyên truyền cho mọi người cùng hiểu biết được coi như là một vắc xin để phòng ngừa HIV/AIDS một cách hiệu quả.

Trước tiên chúng ta cần hiểu HIV/AIDS là gì? HIV là chữ viết tắt của "loại vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người"; AIDS là chữ viết tắt của "hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải" ở người, AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV. Trong giai đoạn này hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nên người bệnh dễ mắc các bệnh như: nhiễm khuẩn, ung thư...

Những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới lây nhiễm HIV/AIDS là do sử dụng ma tuý theo đường tiêm chích, quan hệ tình dục không an toàn, truyền máu và lây truyền từ mẹ sang con. Trong đó tỷ lệ lây nhiễm qua đường tình dục không an toàn và tiêm chích ma túy là cao nhất.

Dựa vào đường lây nhiễm HIV, có các biện pháp phòng sau:

- Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường tình dục:

Sống lành mạnh, chung thủy một vợ một chồng và cả hai người đều chưa bị nhiễm HIV. Không quan hệ tình dục bừa bãi.

- Phòng nhiễm HIV qua đường máu:

Không tiêm chích ma túy.

Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, và chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.

Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng, không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm , xỏ lỗ, châm cứu…

Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV.

Dùng riêng đồ dùng cá nhân: dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay…

- Phòng nhiễm HIV/AIDS lây truyền từ mẹ sang con:

Phụ nữ bị nhiễm HIV thì không nên có thai vì tỷ lệ lây truyền HIV sang con là 30%, nếu đã có thai thì không nên sinh con.

Trường hợp muốn sinh con, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng lây nhiễm HIV cho con.

Sau khi sinh nếu có điều kiện thì nên cho trẻ dùng sữa bò thay cho sữa mẹ.

- Khi bị nghi ngờ phơi nhiễm HIV, cần phải tiến hành xét nghiệm và điều trị dự phòng bằng thuốc ARV.

Như vậy, chúng ta thấy đại dịch AIDS đã trở thành những vấn đề xã hội nóng bỏng và nhức nhối gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của nòi giống và thuần phong mỹ tục của dân tộc ta. Nhiệm vụ đặt ra cho mỗi người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh, thiếu niên là phải: Bằng hành động cụ thể, kiên quyết, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma tuý, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác. Tích cực đấu tranh và tuyên truyền với mọi người không tiêm chích ma tuý, không sử dụng ma tuý dưới mọi hình thức, sử dụng các dịch vụ có liên quan đến truyền máu an toàn, phụ nữ nhiễm HIV nếu mang thai cần đến cơ sở y tế để khám thai định kỳ và được tư vấn. Khi phát hiện người nhiễm HIV/AIDS không nên kỳ thị, xa lánh họ mà cần giúp đỡ, chăm sóc để họ cùng sống an toàn, bình đẳng trong cộng đồng tránh những sự lây nhiễm đáng tiếc xảy ra.

         Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (Từ ngày 1/12-10/12/2017) và Ngày thế giới phòng chống AIDS 01/12/2017 với chủ đề: "Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020" (Nhằm đạt được mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người đã chuẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác), mỗi người dân hãy nêu cao trách nhiệm phòng, chống HIV/AIDS. Đối với thanh, thiếu niên cần phải trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS; thường xuyên tham gia các buổi tuyên truyền về các tệ nạn xã hội; có lối sống lành mạnh, tự chủ trong các mối quan hệ với bạn bè; không sa vào những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm nhằm góp phần đẩy lùi căn bệnh HIV/AIDS./.

Với phương châm phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội, mỗi người dân và bạn trẻ hãy tự bảo vệ mình trước đại dịch HIV/AIDS và hành động theo các khẩu hiệu sau:

Không kì thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

Chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS là góp phần phòng chống HIV/AIDS

Phòng, chống HIV/AIDS là bảo vệ chính bạn và gia đình bạn.

Cô Đỗ Thị Hiền - Tổng phụ trách Đội tuyên truyền trước học sinh.

Tổ tin bài

 


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác:
Mới nhất