Bông hoa điểm 10 của trường THCS An Sinh


   Lần đầu gặp em, cảm giác đầu tiên ở người đối diện là sự rụt rè thường thấy của học sinh miền núi: ngại ngùng, bẽn lẽn, luôn sợ sai… Càng tiếp xúc lâu, càng trò chuyện lâu mới thấy trong em những phẩm chất của một người luôn luôn  cố gắng. Câu nói đầu tiên nói về gia đình luôn là từ " bố" trên miệng. Tôi thoáng giật mình liên tưởng tới hoàn cảnh gà trống nuôi con của 1 phụ huynh. Khi em đã bớt đi sự ngại ngần rồi, tôi không dám hỏi thẳng vấn đề về hoàn cảnh gia đình: " Em là thứ mấy trong gia đình?" thì em kể: Em là con thứ nhất, em gái học lớp 2, em trai 2 tuổi; mẹ đi lao động xuấtkhẩu tại Đài Loan, bố ở nhà làm vườn và chăm sóc 3 chị em học hành. Em bảo nhà chưa có điều kiện nên mẹ phải đi làm xa, nhưng bố luôn luôn động viên các con học hành. Bố em không có kiến thức để chỉ bảo cho em nhưng bố luôn động viên em cố gắng học hành, " Không bao giờ bố yêu cầu làm việc gì nếu con chưa học xong", Câu nói đó của em khiến tôi liên tưởng đến một người đàn ông nông dân cục mịch hiền lành, quần quật đêm ngày vì sự học hành của đàn con, một trong những điều hiếm thấy của những người đàn ông nông dân quê tôi.

   " Vào đội tuyển HSG Địa nhé!", tôi gạ gẫm, em rụt rè: "Nhưng con sợ thi không được!"; " Cô đã yêu cầu đi thi đâu, cứ ôn đã!". Qua bước đầu, tôi có em trong danh sách  đội tuyển HSG cấp thị xã môn Địa lí.

   Kì thi HSG cấp thị xã diễn ra, em về than thở: " Đề thi khó lắm cô ạ!". Tôi cười: "Thi HSG mà chứ có phải ăn 1 bát cơm đâu!"

   Thông báo em được giải 3 cấp thị xã, em mừng lắm. Và mừng hơn nữa, bố em đồng ý cho em tham gia ôn đội tuyển HSG của thị xã – không giống nhiều phụ huynh khác ở xã tôi, không muốn cho con tham gia đội tuyển cấp tỉnh vì đường xá xa xôi, làm nông nghiệp không có thời gian đưa đón con.

   Những ngày đi ôn thấy em có lúc mệt nhoài vì lượng kiến thức lớn!Có những hôm giữa giờ ra chơi em vác sách vở lên hỏi tôi " Con không hiểu chỗ này…". À nhớ rồi, em là HS lớp 8 mà kiến thức này của lớp 9… Mỗi tuần gặp em trao đổi 3-4 lần vào những lúc ra chơi giữa giờ càng thấy sự nỗ lực lớn lao trong em.

   " Đi ôn thích lắm cô ạ!" -  Em hồ hởi kể: " Con muốn học thật giỏi để sau này giúp đỡ bố mẹ con…" Đúng, kể cả làm nông nghiệp cũng cần kiến thức, tôi giúp em phân tích những yếu tố, những bài tập em chưa hiểu. Và mỗi ngày gặp em là thấy lớn dần sự chững chạc trong em.

   Kì thi HSG cấp tỉnh em được giải nhất, tôi thông báo cho phụ huynh, bố em vui mừng lắm. Không vui mừng sao được khi đứa con gái học lớp 8 của người nông dân chân chất lại vượt qua các anh chị lớp 9 để rinh giải cao nhất về tặng cha.

   Em là bông hoa điểm mười, là  tấm gương vượt khó học giỏi của ngôi trường miền núi chúng tôi. Em chính là Phạm Thị Thắm – HS lớp 8C trường THCS An Sinh.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ EM PHẠM THỊ THẮM

- HS LỚP 8C, TRƯỜNG THCS AN SINH

Em Phạm Thị Thắm(đứng thứ2 từ trái sang - hàng giữa)

trong đội tuyển HSG cấp thị xã của nhà trường.

Thầy Lê Văn Thịnh  - Hiệu trưởng nhà trường trao phần thưởng

cho em Phạm Thị Thắm (đứng thứ 2 từ trái sang) cùng các em đạt danh hiệu HSG cấp tỉnh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thảo với em Phạm Thị Thắm

tại buổi lễ tuyên dương HS xuất sắc tiêu biểu của Thị xã Đông Triều.

Nguyễn Thị Thảo - GV Trường THCS An Sinh


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác:
Mới nhất